Đang tải...

message Email zalo

Thế nào là dấu hiệu sinh tồn

14 Tháng 08, 2021

Dấu hiệu sinh tồn là các dấu hiệu thể lực cho thấy bệnh nhân đang sống gồm các tiêu chí như nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ và huyết áp. Những dấu hiệu này giúp bác sĩ đánh giá các thông số chức năng của cơ thể người bệnh.

1. Dấu hiệu sinh tồn là gì?

Dấu hiệu sinh tồn (còn được gọi là Vital signs - dấu hiệu sống) là một nhóm bao gồm 4 - 6 dấu hiệu quan trọng nhất, cho biết trạng thái sống còn (duy trì sự sống) của cơ thể. Thông thường, có 4 dấu hiệu sinh tồn chủ yếu là: nhiệt độ, mạch, huyết áp và nhịp thở. Ngoài ra, có nhiều bác sĩ còn đề cập tới một dấu hiệu khác, đó là chỉ số bão hòa Oxy máu (SpO2).

Đây là những dấu hiệu chỉ rõ tình trạng hoạt động của các cơ quan, phản ánh chính xác chức năng sinh lý của cơ thể người bệnh cũng như xác định các bệnh lý có thể xảy ra và cho thấy tiến trình hồi phục của bệnh nhân. Phạm vi dấu hiệu sinh tồn bình thường của một người thay đổi theo cân nặng, giới tính, độ tuổi, sức khỏe tổng thể và các điều kiện ngoại cảnh.

Dấu hiệu sinh tồn được duy trì ở một mức giá trị nhất định để duy trì sự sống của con người. Nếu các giá trị này thay đổi, vượt ra khỏi ngưỡng bình thường sẽ làm các chức năng khác trong cơ thể người mất cân bằng và sinh bệnh, có thể dẫn đến tình trạng tử vong.

Việc theo dõi dấu hiệu sinh tồn sẽ giúp phát hiện những vấn đề bất thường của người bệnh. Bên cạnh đó, những thay đổi về tình trạng sinh lý, đáp ứng về thể chất, tâm lý, môi trường,... đều gây ảnh hưởng tới dấu hiệu sinh tồn. Những thay đổi này có thể xảy ra đột ngột hoặc kéo dài một khoảng thời gian. Do vậy, bất kỳ thay đổi nào của dấu hiệu sinh tồn ở bệnh nhân đều cần phải thông báo cho bác sĩ để có những can thiệp kịp thời.

2. Các dấu hiệu sinh tồn của cơ thể người

Mạch là sự nảy nhịp nhàng theo nhịp tim khi đặt tay lên động mạch nhờ sự đàn hồi của mạch máu

2.1 Nhiệt độ

  • Con người là động vật hằng nhiệt nên nhiệt độ môi trường không ảnh hưởng nhiều tới nhiệt độ cơ thể;
  • Nhiệt độ trung tâm là nhiệt độ ở các cơ quan như gan, não, nội tạng,... ổn định ở mức 37°C;
  • Nhiệt độ ngoại vi là nhiệt độ da bên ngoài cơ thể, có thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường và thường thấp hơn nhiệt độ trung tâm;
  • Thân nhiệt mỗi người cân bằng nhờ 2 quá trình sinh nhiệt và mất nhiệt. Sinh nhiệt do sự chuyển hóa (tức phản ứng hóa học của tế bào), bao gồm sự co mạch, co cơ, rung giật cơ, vận động, chuyển hóa các chất, hoạt động của hệ nội tiết. Mất nhiệt là quá trình vật lý của cơ thể tiếp xúc với môi trường, thải nhiệt qua da, hơi thở, mồ hôi, giãn mạch ngoại biên, ức chế thần kinh, giảm khối lượng tuần hoàn;
  • Nhiệt độ cơ thể còn chịu sự kiểm soát của trung khu điều hòa thân nhiệt vùng dưới đồi và duy trì trong giới hạn hẹp.

2.2 Nhịp thở

  • Hô hấp là quá trình trao đổi khí O2 và CO2 giữa cơ thể với môi trường bên ngoài
  • Hô hấp gồm 2 động tác là hít vào và thở ra;
  • Các cơ quan tham gia vào quá trình hô hấp gồm cơ hoành, cơ liên sườn, cơ ức đòn chũm, cơ thang,...;
  • Trung khu hô hấp ở hành não làm nhiệm vụ điều hòa chức năng hô hấp của cơ thể.

2.3 Mạch

  • Mạch là sự nảy nhịp nhàng theo nhịp tim khi đặt tay lên động mạch nhờ sự đàn hồi của mạch máu. Thường vị trí xác định động mạch hay gặp nằm ở cổ tay (mạch quay) hoặc vùng bẹn, vùng cổ...
  • Bắt mạch cũng được coi là phương pháp tính số nhịp đập của tim. Tuy nhiên không phải lúc nào mạch cũng trùng với nhịp tim, hay gặp ở 1 số bệnh lý về rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, ngoại tâm thu...

2.4 Huyết áp

Huyết áp là áp lực máu trên thành động mạch. Trong thời kỳ tâm thu, huyết áp trong động mạch lên cao nhất, gọi là huyết áp tối đa (huyết áp thâm thu). Trong thời kỳ tâm trương, huyết áp trong động mạch xuống thấp nhất, gọi là huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương). Các yếu tố tạo nên huyết áp gồm:

  • Sức co bóp của tim;
  • Sức đàn hồi của động mạch;
  • Lực cản ngoại vi (khối lượng máu, độ quánh của máu và sức cản của thành mạch);
  • Yếu tố thần kinh.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến dấu hiệu sinh tồn

  • Yếu tố sinh lý: Tuổi tác, giới tính; thói quen tập luyện, tình trạng tăng thân nhiệt, tâm lý (lo lắng, sợ hãi, xúc động);
  • Dùng thuốc: Thuốc chống loạn nhịp, giãn mạch làm mạch chậm; thuốc giảm đau liều cao làm mạch tăng; thuốc gây mê làm mạch chậm; thuốc kích thích; thuốc trợ tim;
  • Yếu tố bệnh lý: Bệnh tim mạch, hô hấp, các trường hợp cấp cứu,..

Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới dấu hiệu sinh tồn là việc dùng thuốc

4. Đo dấu hiệu sinh tồn như thế nào?

4.1 Mục đích

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ;
  • Cung cấp thông tin hỗ trợ chẩn đoán bệnh;
  • Theo dõi tình trạng bệnh, diễn biến bệnh;
  • Theo dõi kết quả điều trị, chăm sóc;
  • Phát hiện biến chứng của bệnh;
  • Kết luận sự sống còn của bệnh nhân.

4.2 Chỉ định

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ;
  • Khi người bệnh mới nhập viện, khi chuyển khoa, xuất viện;
  • Khi người bệnh đang nằm viện: theo dõi dấu hiệu sinh tồn 2 lần/ngày;
  • Người bệnh trước và sau phẫu thuật, làm một số thủ thuật như truyền, chọc dịch,...
  • Trước và sau khi dùng một số loại thuốc ảnh hưởng tới hô hấp, tim mạch, kiểm soát thân nhiệt như thuốc an thần, giảm đau, trợ tim;
  • Bệnh nhân có những thay đổi về thể chất: hôn mê, lú lẫn, đau, đi ngoài,...
  • Khi có chỉ định của bác sĩ;
  • Bàn giao bệnh nhân giữa các ca trực;
  • Những trường hợp cần được đánh giá về chức năng tuần hoàn, hô hấp như truyền dịch, truyền máu, chọc dò tủy sống, chọc dò màng phổi, chạy thận nhân tạo,...

4.3 Quy tắc đo dấu hiệu sinh tồn

  • Đối với người đang nằm viện: Theo dõi 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều, kể cả người bệnh có dấu hiệu sinh tồn ổn định. Trong trường hợp tình trạng của người bệnh nặng thì cần theo dõi nhiều lần hơn, tuân theo chỉ định của bác sĩ;
  • Kiểm tra các dụng cụ đo trước khi đo;
  • Cho người bệnh nghỉ ngơi tại giường 10 - 15 phút trước khi đo;
  • Không thực hiện các thủ thuật khác trong khi đo dấu hiệu sinh tồn;
  • Báo cho bác sĩ nếu có những dấu hiệu bất thường khi đo;
  • Ghi chép kết quả trung thực và chính xác.

4.4 Những công việc cần làm khi đo dấu hiệu sinh tồn

  • Đo nhiệt độ: Đo thân nhiệt ở miệng, ở nách và hậu môn theo đúng hướng dẫn;
  • Đếm mạch: Bằng cách bắt mạch theo đúng quy trình chuẩn, đếm mạch trong 30 giây nếu mạch đều hoặc 1 phút nếu mạch không đều;
  • Đếm nhịp thở: Đặt tay như khi bắt mạch, đếm trong vòng 1 phút;
  • Đo huyết áp: Đo trên cánh tay hoặc đùi bệnh nhân.

5. Chỉ số cho thấy dấu hiệu sinh tồn ổn định và không ổn định

Nhiệt độ bình thường ở người lớn là 37°C = 98,6°F

5.1 Nhiệt độ

  • Nhiệt độ bình thường ở người lớn là 37°C = 98,6°F;
  • Giới hạn bình thường của nhiệt độ là 36,1 - 37,5°C;
  • Nhiệt độ ở hậu môn là 37°C, ở nách là 36,5°C;
  • Thân nhiệt chịu ảnh hưởng của khí hậu, tuổi tác, sự vận động, thời kỳ sinh lý (mang thai, kinh nguyệt);
  • Sốt khi nhiệt độ cơ thể lên cao trên 37,5°C. Sốt nhẹ khi nhiệt độ cơ thể ở mức 37,5 - 38°C, sốt vừa khi thân nhiệt người bệnh ở mức 38°C -39°C, sốt cao nếu bệnh nhân có nhiệt độ cơ thể từ 39 - 40°C và sốt quá cao nếu nhiệt độ cơ thể trên 40°C;
  • Hạ thân nhiệt khi nhiệt độ cơ thể xuống dưới mức 36°C, thường gặp ở người già yếu, trẻ sinh non hoặc do bệnh lý rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng như bệnh tiểu đường, xơ gan, suy dinh dưỡng,...

5.2 Nhịp thở

  • Bình thường hô hấp êm dịu, đều đặn, người lớn ở mức 16 - 20 lần/phút, trẻ sơ sinh 40 - 60 lần/phút, trẻ dưới 6 tháng là 35 – 40 lần/phút, trẻ 7 - 12 tháng là 30 – 35 lần/phút, trẻ 2 - 3 tuổi là 25 – 30 lần/phút, trẻ 4 - 6 tuổi là 20 – 25 lần/phút và trẻ 7 – 15 tuổi là 18 – 20 lần/phút;
  • Thở nhanh khi lao động, thể dục thể thao, trời nắng, xúc động hoặc sốt cao;
  • Thở chậm khi thần kinh căng thẳng, tập luyện khí công, ý muốn của bản thân hoặc do chấn thương sọ não ức chế trung tâm hô hấp gây thở chậm;
  • Khó thở và một vài chứng rối loạn nhịp thở.

5.3 Mạch

  • Bình thường mạch đập ở trẻ sơ sinh là 120 – 140 lần /phút, trẻ 1 tuổi là 100 – 130 lần/phút, trẻ 5 - 6 tuổi là 90 – 100 lần/phút, trẻ 10 - 15 tuổi là 80 – 90 lần/phút, người trưởng thành là 70 – 80 lần/phút và người cao tuổi là 60 – 70 lần/phút;
  • Mạch đập nhanh hay chậm tùy thuộc vào thời điểm (sáng hay chiều), trạng thái tâm lý, sự hoạt động của cơ thể, tuổi tác, giới tính, thói quen ăn uống, dùng thuốc;
  • Mạch nhanh trên 100 lần/phút gặp ở người bệnh nhiễm khuẩn, bệnh basedow hoặc dùng Atropin sulfat,...
  • Mạch chậm dưới 60 lần/phút gặp ở người mắc bệnh tim, ngộ độc digitalis,...

5.4 Huyết áp

  • Giới hạn bình thường của huyết áp tâm thu là 90 - 140mmHg, của huyết áp tâm trương là 60 - 90mmHg;
  • Những yếu tố sinh lý ảnh hưởng tới huyết áp gồm tuổi tác, giới tính, sự vận động, xúc động, trọng lượng cơ thể, dùng thuốc,...
  • Huyết áp cao: Chỉ số huyết áp tâm thu trên 140mmHg, huyết áp tâm trương trên 90mmHg, gặp ở người mắc bệnh tim mạch, thận, nội tiết,...
  • Huyết áp thấp: Chỉ số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg, huyết áp tâm trương dưới 60mmHg, thường gặp ở bệnh nhân mất nước hoặc mất nhiều máu,...
  • Huyết áp kẹt: Có hiệu suất giữ huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương không quá 20mmHg.

Máy đo chỉ số sinh tồn - Connex spot monitor/Hãng Hillrom

Thông báo
Đóng