Đang tải...

message Email zalo

Xét nghiệm máu tổng quát cần lưu ý những gì

15 Tháng 12, 2021

Xét nghiệm máu tổng quát là một trong những xét nghiệm được chỉ định khi: khám sức khỏe tổng quát (nộp hồ sơ xin việc, khám tiền hôn nhân…), khám chữa bệnh, tầm soát khám định kỳ giúp phát hiện bệnh lý ở giai đoạn bệnh sớm

Phòng ngừa, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh từ giai đoạn rất sớm

Thông qua xét nghiệm máu tổng quát, một số bệnh lý có thể được phòng ngừa hoặc chẩn đoán và điều trị ngay giai đoạn rất sớm. Hơn nữa, khi kết hợp với các thông tin sức khỏe từ tiền sử bệnh lý và thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ xác định các vấn đề sức khỏe hiện tại, hướng điều chỉnh khắc phục hoặc điều trị, và biện pháp phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe trong tương lai. Người bệnh cũng hiểu hơn về tình trạng cơ thể, từ đó điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, luyện tập, nghỉ ngơi phù hợp, tăng cường sức khỏe bản thân.

Xét nghiệm máu tổng quát gồm những gì?

Xét nghiệm máu bao gồm 2 nhóm xét nghiệm cơ bản: xét nghiệm huyết học và xét nghiệm sinh hóa máu.
Xét nghiệm công thức máu
Xét nghiệm công thức máu Là một xét nghiệm cơ bản trong xét nghiệm huyết học, cần thiết khi khám sức khỏe cũng như khám chữa bệnh. Xét nghiệm này cung cấp các thông tin về thành phần máu như: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và nhiều thành phần khác trong máu. Thông qua kết quả xét nghiệm này, bác sĩ có thể đánh giá người bệnh có bị thiếu máu hay có dấu hiệu bất thường như nhiễm trùng… xảy ra.
•    Nhóm máu: Xác định nhóm máu cần thiết trong những trường hợp cấp cứu, cần truyền máu, giúp quy trình diễn ra nhanh chóng. Xét nghiệm này chỉ cần làm một lần.
Xét nghiệm sinh hóa máu
Xét nghiệm sinh hóa máu sẽ cung cấp các chỉ số đánh giá những chức năng quan trọng của cơ thể, bao gồm:
•    Xét nghiệm chức năng gan thông qua các chỉ số AST (GOT), ALT (GPT), GGT, định lượng Bilirubin (toàn phần, trực tiếp và gián tiếp)… để đánh giá chức năng hoạt động của gan.
•    Xét nghiệm chức năng thận qua các chỉ số: Creatinin, Ure để đánh giá chức năng hoạt động của thận.
•    Xét nghiệm đường máu và HbA1c: Tầm soát bệnh đái tháo đường.
•    Xét nghiệm mỡ máu gồm có các chỉ số: Cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C, Triglycerid. Tầm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.
•    Xét nghiệm acid uric trong máu: đánh giá nguy cơ bệnh gout.
Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu cũng là một xét nghiệm cơ bản thường được thực hiện khi khám sức khỏe. Xét nghiệm này có thể đánh giá hoạt động của các cơ quan như thận, gan, tụy và cơ quan bài tiết trong cơ thể.
Các xét nghiệm khác
Ngoài các xét nghiệm tổng quát trên, gói khám sức khỏe tổng quát cao cấp hơn có thể có thêm các xét nghiệm khác, bao gồm:
•    Xét nghiệm tầm soát ung thư như: ung thư gan, ung thư tiền liệt tuyến ở nam, ung thư cổ tử cung ở nữ…
•    Xét nghiệm nội tiết tố: Testosterone ở nam, hormone FSH và LH ở nữ.
•     Xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp: FT3, FT4, TSH.
•    Xét nghiệm miễn dịch vi sinh: Kiểm tra có nhiễm các virus viêm gan A,B,C, virus HIV…

Cần làm gì trước khi xét nghiệm máu?

Các chỉ số sinh hóa máu của một số xét nghiệm nếu thực hiện không đúng thời điểm, sau ăn hoặc sau khi dùng các chất kích thích sẽ cho kết quả không chính xác. Do đó, cần tuân theo những quy định cụ thể với từng loại xét nghiệm: (1)
•    Xét nghiệm mỡ máu, đường huyết, xét nghiệm định lượng các loại vitamin… cần nhịn ăn trong vòng 10-12 tiếng trước khi làm xét nghiệm. Vì các chất dinh dưỡng có trong thức ăn, đặc biệt là đường và chất béo có thể khiến kết quả xét nghiệm không chính xác.
•    Xét nghiệm vitamin và vi chất: Không uống các loại thuốc bổ, vitamin, khoáng chất trước khi làm xét nghiệm này. Thời gian ngừng uống trước khi làm xét nghiệm bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể với từng loại. Với các loại thuốc tiểu đường, thuốc huyết áp… cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
•    Xét nghiệm nước tiểu: Giống như xét nghiệm máu, không nên ăn hoặc uống các loại thức ăn, đồ uống có nhiều đường và chất béo trước khi làm xét nghiệm nước tiểu. Nên nhịn ăn trước 12 tiếng. Trong một vài kiểm tra, xét nghiệm nước tiểu không cần nhịn ăn nhưng cần uống nhiều nước lọc để kết quả xét nghiệm được chính xác.
•    Xét nghiệm định lượng vitamin, cần thực hiện khi đói. Vì thế, nên nhịn ăn từ 8 – 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm. Nếu ăn uống trước khi làm xét nghiệm sẽ khiến kết quả định lượng vitamin bị sai lệch.
•    Một số xét nghiệm máu vẫn có thể ăn uống bình thường như xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm sắt, xét nghiệm canxi…

Quy trình lấy máu xét nghiệm

Kỹ thuật viên (KTV) ghi tên người bệnh lên ống nghiệm và chuẩn bị các dụng cụ lấy mẫu máu. Lấy máu theo 2 cách:
Lấy máu tĩnh mạch
•    Người bệnh ngồi yên, tay duỗi thẳng và bàn tay nắm lại
•    KTV dùng garo buộc chặt ở cánh tay trong, cách khuỷu tay 5-8cm.
•    KTV sát trùng nhiều lần vùng da được chọn lấy máu.
•    KTV lấy một lượng máu vừa đủ để xét nghiệm. 
•    Người được lấy máu chỉ cảm thấy châm chích hoặc xước nhẹ khi kim đâm vào.
•    Người bệnh thả lỏng bàn tay, KTV tháo garo, đặt bông lên vết thương và rút kim.
•    Máu sau khi lấy được bơm vào dụng cụ chứa mẫu.
•    KTV dán băng keo cá nhân cho người bệnh.
Lấy máu mao mạch (chỉ áp dụng cho người bệnh tiểu đường, hóa trị, trẻ nhỏ…)
•    KTV sát trùng đầu ngón tay áp út bằng cồn và chờ khô.
•    KTV bóp chặt đầu ngón tay người bệnh, dùng lancet (dạng kim) đâm nhanh và gọn (sâu khoảng 2-3mm) vào vùng đỉnh đầu ngón tay.

•    Dốc ngón tay, vuốt nhẹ dọc theo thân ngón tay để máu chảy ra.
•    Khi lấy đủ lượng máu cần thiết, KTV đặt gòn khô lên vết thương để cầm máu.
Ai nên đi xét nghiệm máu tổng quát?
•    Xét nghiệm máu tổng quát định kỳ hằng năm nên được thực hiện ở mọi đối tượng, từ người già, người trưởng thành đến trẻ em. Cụ thể:
o    Từ 18-30 tuổi: Xét nghiệm máu tầm soát các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao như: viêm gan B, viêm gan C, bệnh lây qua đường tình dục (lậu, giang mai); khám kiểm tra sức khỏe sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân.
o    Từ 30-40 tuổi: Xét nghiệm máu giúp tầm soát sớm các bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, gout,… ung thư phụ khoa (ở phụ nữ).
o    Độ tuổi trung niên: Xét nghiệm máu giúp tầm soát các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, xương khớp…; các bệnh lý ung thư phổ biến như ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư vòm họng, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt (ở nam giới)…
•    Một số bệnh nhân được bác sĩ yêu cầu xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh.
•    Người cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng nhằm phát triển cân đối.
Hướng dẫn cách đọc kết quả xét nghiệm máu

Lưu ý: Tất cả các giá trị này chỉ dành cho người lớn, không áp dụng cho trẻ em.
Các kết quả xét nghiệm máu sẽ được thể hiện ở cột kết quả trên phiếu kết quả xét nghiệm và các kết quả này sẽ được so sánh với các giá trị tham chiếu. Tình trạng bất thường khi kết quả vượt cao hơn chỉ số trong khoảng giá trị tham chiếu.
Tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ, kết hợp với các thông tin sức khỏe từ tiền sử bệnh lý và thăm khám lâm sàng, để được bác sĩ giải thích kết quả chính xác hơn.

Những câu hỏi thường gặp về xét nghiệm máu

Thời điểm lấy máu xét nghiệm tốt nhất?
Buổi sáng là thời điểm tốt nhất để lấy mẫu máu xét nghiệm. Ngoài ra, trong vòng 8 – 12 tiếng trước khi lấy mẫu máu, người lấy máu cần nhịn ăn, không uống các loại nước như nước ngọt, nước trái cây, sữa, rượu… nhưng có thể uống nước lọc.
Xét nghiệm máu có nguy hiểm?
Một số người bị bầm tím tại vị trí lấy máu do kim tiêm đi vào. Vết bầm thường nhẹ và sớm biến mất. Tuy nhiên, một số người cảm thấy lo lắng, chóng mặt và ngất xỉu trong và sau khi lấy máu. Nếu điều này từng xảy ra trong quá khứ, bạn hãy nói với kỹ thuật viên trước khi thực hiện xét nghiệm để có thể giúp bạn thoải mái hơn.
Xét nghiệm máu tổng quát bao lâu có kết quả?
Với các thiết bị máy móc hiện đại, việc thực hiện các xét nghiệm phổ biến như công thức máu, mỡ máu, đường máu… thì khoảng 60 – 90 phút sẽ có kết quả.

Việc chủ động xét nghiệm máu tổng quát định kỳ sẽ giúp bạn chẩn đoán tình trạng bệnh sớm và chính xác, từ đó giúp bệnh nhân kiểm soát và có phương pháp điều trị bệnh thích hợp. Bên cạnh đó, bạn nên chọn khám định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để có được kết quả chuẩn xác khi thực hiện các xét nghiệm.

Nguồn: Tổng hợp
 

Thông báo
Đóng